Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tài chính đất đai cần được tháo gỡ căn cơ và nhất quán hơn

- Thứ Năm, 09/03/2023, 13:24 - Chia sẻ

Sáng 9.3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên; nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Hà Hùng Cường; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Tham dự Hội thảo có: đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp; đại diện lãnh đạo Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại biểu Quốc hội một số tỉnh/thành phố; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội và các học giả, nhà nghiên cứu...

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Hà Hùng Cường cho biết, cùng với toàn bộ dự thảo Luật, nội dung lấy ý kiến nhân dân còn tập trung vào các nội dung gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Theo ông Hà Hùng Cường, các nội dung trên cũng là những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn thời gian qua. Đự thảo Luật cũng đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh như mong muốn của Đảng và Nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý trực tiếp về: vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc giám sát, tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và một số vấn đề liên quan; các quy định về đất thương mại, dịch vụ; cơ chế giao đất, cho thuê đất…

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần đưa ra được phương án bồi thường đất bị thu hồi như thế nào trong các trường hợp thu hồi đất cho dự án sử dụng vào mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; có cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường.

Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho biết, Điều 89 dự thảo Luật đã kế thừa tinh thần nội dung khoản 3, Điều 42 Luật Đất đai năm 2003 khi quy định một trong các nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” (khoản 2). Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003 đã chứng tỏ quy định này không thực sự phù hợp, gây ra cách hiểu khác nhau về “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” giữa các địa phương, giữa các cơ quan tổ chức thực thi luật dẫn đến cách áp dụng không thống nhất trên thực tế. 

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến chỉ rõ, Điều 3 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ không làm rõ khái niệm thế nào là “có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Dự thảo Luật cũng không đưa ra tiêu chí hay phương thức đối sánh trước khi bồi thường và sau khi bồi thường để “định lượng” được việc Nhà nước bồi thường cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không. Do đó, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đề nghị dự thảo Luật cần giải thích rõ thế nào là có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bổ sung quy định về một số tiêu chí đánh giá điều kiện sống của người có đất bị thu hồi trước và sau khi Nhà nước thu hồi đất. Có như vậy mới bảo đảm tính rõ ràng, tường minh, thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương. 

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, dự thảo Luật đã có nhiều điểm mới liên quan đến quy định về cơ chế tài chính đất đai và giá đất, trong đó có quy định bỏ khung giá đất hướng nhằm tới việc định giá đất phù hợp với quy luật của thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất, khoa học. Đây là nội dung quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan và cũng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Nhấn mạnh điều này, TS. Cấn Văn Lực đề nghị, vấn đề tài chính đất đai cần được tập trung tháo gỡ một cách toàn diện, căn cơ và nhất quán hơn, vừa “tuân theo quy luật, nguyên tắc thị trường” vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân...

Tin và ảnh: Thanh Chi